Quỹ Đầu Tư Là Gì?
Quỹ đầu tư là một hình thức tập hợp vốn từ nhiều nhà đầu tư khác nhau để thực hiện đầu tư vào các tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản hoặc các loại tài sản khác. Quỹ đầu tư được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp, giúp tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.
Các loại quỹ đầu tư phổ biến
- Quỹ mở (Open-end Fund): Là loại quỹ mà nhà đầu tư có thể mua hoặc bán chứng chỉ quỹ tại bất kỳ thời điểm nào dựa trên giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ.
- Quỹ đóng (Closed-end Fund): Là quỹ mà sau khi huy động vốn xong, quỹ sẽ không phát hành thêm chứng chỉ quỹ và nhà đầu tư chỉ có thể mua hoặc bán trên thị trường thứ cấp.
- Quỹ ETF (Exchange-Traded Fund): Là quỹ mô phỏng theo một chỉ số, chẳng hạn như chỉ số chứng khoán hoặc chỉ số hàng hóa. Chứng chỉ quỹ ETF được giao dịch trên sàn chứng khoán tương tự như cổ phiếu.
Ưu điểm của quỹ đầu tư
- Đa dạng hóa danh mục đầu tư: Giảm thiểu rủi ro bằng cách đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau.
- Quản lý chuyên nghiệp: Nhà đầu tư không cần trực tiếp tham gia vào việc quản lý danh mục đầu tư, mà được các chuyên gia quản lý.
- Tính thanh khoản cao: Đối với quỹ mở và quỹ ETF, nhà đầu tư có thể mua bán dễ dàng thông qua sàn giao dịch.
Chứng Chỉ Quỹ Là Gì?
Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu một phần vốn góp của nhà đầu tư với quỹ đại chúng.
Bạn mua cứng chỉ quỹ của quỹ đầu tư là xác nhận bạn đã góp vào quỹ đầu tư và hưởng toàn bộ lợi nhuận và rủi ro từ danh mục đầu tư của quỹ đầu tư.
Cách hiểu đơn giản là bạn góp vốn cho quỹ đầu tư, quỹ đầu tư sẽ mua cổ phiếu, trái phiếu,…hay bất kì tài sản nào nhằm mục tiêu là bảo toàn vốn hoặc gia tăng giá trị tài sản (NAV) của quỹ, từ đó tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư góp vốn vào quỹ.
Ví dụ: quỹ đầu tư A là quỹ cổ phiếu, đầu tư một danh mục gồm 4 cổ phiếu FPT, MWG, HPG, VPB,…Danh mục này đặt mục tiêu tỷ suất lợi nhuận (RoR) trung bình 15%/năm. Quỹ đầu tư A bán cho bạn 1 CCQ với giá là 20,000vnd/ccq dựa trên giá trị tài sản ròng của quỹ (NAV), bạn mua 100 CCQ với giá 2 triệu. Điều này đồng nghĩa là bạn đã góp vốn 2 triệu cho quỹ đầu tư A và cùng hưởng tỷ suất lợi nhuận 15%/năm từ danh mục đầu tư của quỹ (Chưa tính thuế, phí,…)
Quỹ đầu tư A có thể là quỹ mở, quỹ đóng hoặc quỹ ETF với cách hoạt động khác nhau nhưng về mặt bản chất là giống nhau là uỷ thác đầu tư nhưng về cách hoạt động thì mỗi loại quỹ sẽ có cách hoạt động khác nhau..
Giá của chứng chỉ quỹ được tính như thế nào?
Giá của một chứng chỉ quỹ được tính bằng NAV/CCQ (Giá trị tài sản ròng của quỹ chia cho tổng số lượng chứng chỉ quỹ đang lưu hành).
Bạn có thể xem NAV của quỹ trong tài liệu được công bố trên website của quỹ đầu tư, NAV/CCQ sẽ khác nhau tại các thời điểm dựa trên sự biến động của thị trường và luôn được cập nhật mỗi ngày giao dịch
Mua chứng chỉ quỹ có nên dựa vào giá chứng chỉ quỹ? Có phải giá chứng chỉ quỹ càng thấp càng tốt?
Giá của chứng chỉ quỹ không quyết định lợi nhuận của chứng chỉ quỹ trong tương lai. Giá NAV/CCQ cao hay thấp phụ thuộc vào thời gian niêm yết và lợi nhuận quá khứ của quỹ đầu tư trên thị trường.
Nếu quỹ có thời gian niêm yết lâu, đạt tỷ suất lợi nhuận trong quá khứ cao thì giá NAV/CCQ cao vì giá trị tài sản của quỹ cao, điều đó chứng tỏ hoạt động hiệu quả trong quá khứ và là một quỹ đầu tư có kinh nghiệm.
Tuy nhiên, giá CCQ thấp không đồng nghĩa với việc trong tương lai quỹ sẽ đạt lợi nhuận thấp. Giá của chứng chỉ quỹ chào bán lần đầu là 10,000vnd/CCQ. Theo thời gian, nếu quỹ hoạt động tốt thì giá trị tài sản của quỹ sẽ tăng lên, nhiều nhà đầu tư muốn mua thêm thì quỹ phát hành thêm chứng chỉ quỹ dẫn đến giá tăng theo thời gian.
Quỹ mới thành lập thì thường có giá thấp hơn so với quỹ đã hoạt động lâu năm hoặc quỹ hoạt động kém thì giá cũng sẽ thấp vì kết quả đầu tư thua lỗ.
Khi đầu tư chứng chỉ quỹ, bạn có thể tham khảo lựa chọn quỹ theo một số tiêu chí sau để có cơ sở lựa chọn các quỹ đầu tư trong dài hạn:
Tiêu chí khi lựa chọn CCQ mở:
- Uy tín của quỹ đầu tư, thời gian hoạt động và đội ngũ quản lý quỹ.
- Tỷ trọng phân bổ danh mục của quỹ. Nếu là quỹ cổ phiếu thì quỹ đang nắm giữ cổ phiếu nào? Tỷ trọng bao nhiêu? Ngành nghề hay lĩnh vực nào?
- Nguyên tắc và chiến lược đầu tư của quỹ là gì?
- Tiềm năng tăng trưởng của ngành nghề chiếm tỷ trọng lớn của quỹ trong dài hạn.
- Tỷ suất lợi nhuận kép của quỹ trong quá khứ, trung bình 5-7 năm gần nhất.
- Các chỉ số tài chính cơ bản như P/E (Price to earning), P/B (Price to book value)m ROE (Return on Equity) của quỹ so với VN-Index (P/E, P/B so với P/E,P/B của VN-Index càng thấp càng tốt. ROE của quỹ so với VN-Index càng cao càng tốt)
Các loại chứng chỉ quỹ hiện nay
Các loại chứng chỉ quỹ hiện nay trên thị trường:
- Quỹ mở theo chiến lược đầu tư chủ động
- Quỹ đóng là quỹ không đại trà cho các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ
- Quỹ ETF hay còn gọi là quỹ hoán đổi danh mục
ETF là loại chứng chỉ quỹ đặc biệt vừa mang tính chất của quỹ đóng là niêm yết trên cơ sở giao dịch chứng khoán Việt Nam bạn có thể mua như một cổ phiếu vừa hoạt động theo cơ chế của quỹ mở, tức là ai cũng có thể mua.
Bạn có thể đầu tư chứng chỉ quỹ tại các công ty chứng khoán, các ứng dụng đầu tư tài chính hoặc mua trực tiếp tại ứng dụng quỹ đầu tư.
So sánh chứng chỉ quỹ và đầu tư cổ phiếu
Bản chất của chứng chỉ quỹ là uỷ thác đầu tư, bạn bỏ vốn cho quỹ đầu tư họ sẽ thay mặt ban quản lý và đầu tư sinh lời giúp bạn. Quỹ đầu tư có nhiều chuyên gia quản lý quỹ có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ, họ sẽ đánh giá mức độ rủi ro, khả năng sinh lời tài sản và có chiến lược đầu tư cụ thể.
Đầu tư cổ phiếu là bạn phải tự tìm hiểu, phân tích doanh nghiệp, quản trị rủi ro danh mục đầu tư,… và tự mình thiết kế danh mục đầu tư, yêu cầu bạn phải có nhiều kiến thức về báo cáo tài chính doanh nghiệp, phân tích cổ phiếu.
Nếu là người mới tham gia đầu tư cổ phiếu thì bạn sẽ phải dành thời gian để học tập và trau dồi kiến thức trước khi đầu tư.
Bảng so sánh chứng chỉ quỹ và đầu tư cổ phiếu:
CCQ (OEFs, CEFs, ETFs) |
Cổ phiếu (Individual Stock) |
Được quản lý bởi quỹ đầu tư chuyên nghiệp hoặc được lựa chọn mô phỏng lợi nhuận rổ chỉ số (Price Index) trên thị trường chứng khoán. | Cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam như tập đoàn Masan (MSN),… |
Rủi ro thấp vì danh mục gồm nhiều tài sản khác nhau để phân tán rủi ro. | Rủi ro cao tuỳ hiệu suất từng cổ phiếu. |
Không được lựa chọn danh mục đầu tư của quỹ. | Được lựa chọn danh mục cổ phiếu theo nhu cầu cá nhân. |
Nhiều chi phí (Phí quản lý, phí mua lại, thuế TNCN) | Phí thấp (Phí dao dich, thuế TNCN) |
Lợi nhuận mua chứng chỉ quỹ.
Lợi nhuận chứng chỉ quỹ phụ thuộc vào danh mục và mục tiêu đầu tư quỹ.
Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thị trường tài chính và tình hình tăng trưởng kinh doanh của các cổ phiếu mà quỹ đầu tư nắm giữ.
Nếu là quỹ cổ phiếu thường mang đến tỷ suất lợi nhuận cao hơn quỹ trái phiếu hay quỹ cân bằng, tuy nhiên rủi ro chứng chỉ quỹ giảm giá cao hơn.
Quỹ mở và quỹ đóng được quản lý theo chiến lược đầu tư chủ động (Active Investing) bởi các chuyên gia quản lý quỹ vì vậy các quỹ đầu tư sẽ cố gắng tối ưu hiệu suất để vượt trội so với thị trường chung.
Rủi ro khi đầu tư chứng chỉ quỹ là gì?
Rủi ro chứng chỉ quỹ cao hay thấp phụ thuộc vào danh mục đầu tư của quỹ được phân bổ theo khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.
Nếu bạn chọn đầu tư vào quỹ cổ phiếu với tỷ trọng danh mục 80-90% là cổ phiếu thì rủi ro sẽ cao hơn các quỹ khác vì khả năng mất tiền cao khi chứng chỉ quỹ giảm giá.
Khi chứng chỉ quỹ tăng thì danh mục của bạn sẽ đem đến mức tỷ suất lợi nhuận cao và ngược lại. Tuy nhiên, chứng chỉ quỹ vẫn an toàn hơn bạn tự đầu tư vì các quỹ đầu tư đều có các chuyên gia quản lý quỹ quản lý danh mục đầu tư cho bạn họ có kinh nghiệm quản trị rủi ro và có nguyên tắc đầu tư rõ ràng để bảo toàn tài sản của bạn, nhà đầu tư.
Nếu không có kinh nghiệm lựa chọn cổ phiếu và quản trị rủi ro bạn sẽ mất tiền trên thị trường chứng khoán “khốc liệt”. Đây là cuộc chiến về mặt tâm lý.
Ở đó có sợ hãi, có hưng phấn, có CALL MARGIN. Nhà đầu tư mới tham gia sẽ phải mất nhiều thời gian để thích nghi với cuộc sống ở đó và có thể bạn sẽ mất ngủ hằng đêm nếu thị trường sụt giá một cách đột ngột.
Rủi ro chứng chỉ quỹ: Rủi ro thị trường sẽ khiến chứng chỉ quỹ giảm giá trong ngắn hoặc trung hạn, bạn sẽ âm vốn đầu tư thay vì chọn kênh tiền gửi với mức lãi suất cố định.
Ai có thể đầu tư chứng chỉ quỹ?
Chứng chỉ quỹ phù hợp với nhà đầu tư:
- Nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường chưa có nhiều kiến thức về đầu tư tài chính để tự xây dựng danh mục đầu tư riêng cho mình. Lựa chọn chứng chỉ quỹ để uỷ thác tiền nhàn rỗi của mình cho các dự định tài chính cá nhân.
- Nhà đầu tư không có nhiều thời gian để tự lựa chọn cổ phiếu và theo dõi thị trường.
- Nhà đầu tư muốn tận dụng các yếu tố vĩ mô của Việt Nam như nền kinh tế đang phát triển để xây dựng tài sản dài hạn.
Nên mua chứng chỉ quỹ nào?
Đối với quỹ hoán đổi danh mục ETF:
Hiện nay quỹ ETF trên thị trường chia làm hai loại quỹ ETF nội và quỹ ETF ngoại. Nhà đầu tư cá nhân có thể mua quỹ ETF nội trên thị trường chứng khoán Việt Nam, quỹ ngoại không niêm yết trên thị trường Việt Nam nên bạn không mua được tại các công ty chứng khoán hay ứng dụng đầu tư.
Thay vì mua chứng chỉ ETF giúp bạn tận dụng sức mạnh của nền kinh tế đang phát triển, các yếu tố vĩ mô đều ổn định. Quỹ ETF tại Việt Nam được kì vọng tăng trưởng kép từ 13-15%/năm trong dài hạn.
Đối với quỹ mở:
Trên thị trường hiện nay có 3 loại quỹ mở phổ biến dựa trên khẩu vị rủi ro ( Khả năng chấp nhận rủi ro của bạn ). Các loại quỹ được phân bố theo nguyên tắc Lợi nhuận cao – Rủi ro cao.
Quỹ tang trưởng |
Quỹ cân bằng |
Quỹ phòng thủ |
Cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao. | Cổ phiếu, trái phiếu,… với tỷ trọng cân bằng. | Trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi,… |
Rủi ro cao. | Rủi ro trung bình | Rủi ro thấp |
Lợi nhuận kỳ vọng 13-20%/năm | Lợi nhuận kỳ vọng 9-13%/năm | Lợi nhuận kỳ vọng 7-9%/năm |
Thời gian nắm giữ yêu cầu ( 2-5 năm ) | Thời gian nắm giữ khuyến nghị ( 1- 2 năm ) | Thời gian nắm giữ khuyến nghị ( Từ 1 năm ) |
*Các loại quỹ mở trên thị trường
Có nhiều quỹ đầu tư mở trên thị trường bạn có thể lựa chọn để đầu tư, mỗi quỹ đều có nguyên tắc đầu tư riêng nhằm mục tiêu đạt hiệu quả cao hơn so với thị trường chung hoặc các chỉ số tham chiếu.
Các nhà quản lý quỹ mở luôn cố gắng tối ưu danh mục, thực hiện các hoạt động trading (giao dịch) dể cổ gắng tối uy hóa tỷ suất lợi nhuận so với thị trường. Còn quỹ ETF thì không cố gắng tối ưu danh mục, các bộ chỉ số như VN30, VN100,.. sẽ luôn loại bỏ các cổ phiếu không đáp ứng tiêu chí của quỹ. Quỹ ETF chỉ theo dõi các chỉ số đó, không can thiệp vào hiệu quả đầu tư của các chứng chỉ quỹ ETF.
Mua chứng chỉ quỹ ở đâu?
Bạn có thể mua chứng chỉ quỹ mở và chứng chỉ quỹ ETF tại các ứng dụng đầu tư tài chính, các công ty chứng khoán hoặc mua trực tiếp tại quỹ đầu tư – đơn vị phát hành chứng chỉ quỹ như Dragon Capital, quỹ đầu tư Vinacapital, quỹ đầu tư Techcombank.
Hiện nay có nhiều ứng dụng tài chính kết hợp với các quỹ đầu tư, làm đơn vị trung gian phân phối để bạn mua chứng chỉ quỹ một cách đơn giản. Đặc biệt bạn có thể mua với số vốn nhỏ hơn khi mua trực tiếp tại các quỹ đầu tư.
Thuế, phí khi mua chứng chỉ quỹ
Các loại chi phí khi mua chứng chỉ quỹ mở
- Phí mua (0.15% – 1%) tuỳ loại quỹ.
- Phí quản lý cao (1-2% NAV/năm). Phí này đã được tính vào giá NAV/CCQ.
- Phí mua lại (0.5 – 1% giá trị bán). Khi mua CCQ nếu bạn năm giữ thời gian ngắn dưới 1 năm sẽ phải chịu phí mua lại khá cao, nhưng nếu năm giữ dài hạn từ 1-3 năm thì sẽ không mất phí mua lại.
- Thuế TNCN (Thu nhập cá nhân) 0.1%.
Các loại chi phí khi mua chứng chỉ quỹ ETF
- Phí quản lý thấp từ (0.05% NAV/năm). Phí quản lý được tính vào giá NAV/CCQ.
- Phí giao dịch mua bán khoảng 0,1% giá trị tại ứng dụng giao dịch chứng khoán TCInvest.
- Thuế TNCN (Thu nhập cá nhân) 0.1%.
Bảng so sánh chi phí của 2 loại quỹ:
Chứng chỉ quỹ mở (OEFs) |
Chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETFs) |
Phí mua (0.15%-1%) tuỳ loại quỹ. | Phí quản lý thấp (từ 0.05% NAV/năm). Phí quản lý được tính vào giá CCQ. |
Phí quản lý (1-2% NAV/năm) Phí quản lý được tính vào giá CCQ. | Phí mua lại là phí giao dịch tuỳ công ty chứng khoán quy định (0.1%-0.3% giá trị). Không quy định chi phí cho thời gian nắm giữ. |
Phí mua lại cao (0.5-1% giá trị). | Thuế TNCN 0.1% giá trị bán |
Thuế TNCN 0.1% giá trị bán |
*So sánh chi phí quỹ mở và quỹ ETF.
Ai sẽ là bên mua lại chứng chỉ quỹ mở?
Chứng chỉ quỹ mở sẽ được mua lại bởi các quỹ đầu tư trực tiếp phát hành và quản lý quỹ, các quỹ đầu tư luôn có sẵn một phần tiền mặt để mua lại chứng chỉ quỹ của bạn. Chỉ cần bạn đặt lệnh bán chứng chỉ quỹ trên ứng dụng đầu tư hoặc các ứng dụng giao dịch chứng khoán. Chứng chỉ quỹ của bạn sẽ được mua lại.
Chứng chỉ quỹ mở không giao dịch giữa các nhà đầu tư với nhau, bạn chỉ có thể mua của công ty phát hành chứng chỉ quỹ và bán lại cho chính họ
Ai sẽ là bên mua chứng chỉ quỹ ETF khi bạn muốn bán?
Đối với thị trường thứ cấp, chứng chỉ quỹ ETF giao dịch trên thị trường như một cổ phiếu vì vậy bạn có thể bán lại cho nhà đầu tư khác trên sàn chứng khoán như giao dịch một cổ phiếu thông thường. Bạn chỉ cần đặt lệnh bán ETF khi muốn bán và rút tiền về.
Cách đầu tư chứng chỉ quỹ hiệu quả
Chứng chỉ quỹ là công cụ đầu tư rất tốt trong dài hạn với rủi ro thấp với tỷ suất lợi nhuận kép kỳ vọng từ 13-17%/năm.
Tham gia tích lũy chứng chỉ quỹ từ sớm sẽ giúp bạn tận dụng tốt sức mạnh của lãi suất kép trong đầu tư.
Có nên đầu tư chứng chỉ quỹ?
Không nên lướt sóng chứng chỉ quỹ vì:
- Tốn nhiều phí (Phí mua lại chứng chỉ quỹ thường chiếm 1-2% khá cao trong thời gian ngắn dưới 1 năm). Bên cạnh đó, bạn còn phải trả thuế TNCN 0.1% giá trị bán.
- Không được hưởng tỷ suất lợi nhuận kép của quỹ. Hầu hết mua chứng chỉ quỹ trong thời gian ngắn bạn có lợi nhuận rất thấp hoặc bị mất vốn nếu thị trường đi xuống, đặc biệt là tốn chi phí quản lí quỹ.
Để lựa chọn chứng chỉ quỹ phù hợp bạn cần rõ rang về mục tiêu tài chính của mình trong 5 hay 10 năm tới.
Nếu mục tiêu tài chính của bạn chỉ là ngắn hạn trong vòng 1 năm tới thì chứng chỉ quỹ sẽ không phù hợp với bạn vì mức độ rủi ro cao.
Chứng chỉ quỹ có thể dùng để xây dựng các quỹ tài chính cá nhân trong dài hạn:
- Quỹ tự do tài chính
- Quỹ đi du học
- Quỹ mua tài sản giá trị cao như nhà, xe, …
- Quỹ cho đám cưới
- Quỹ hưu trí
Phương pháp mua chứng chỉ quỹ hiệu quả:
Cách đầu tư hiệu quả là đầu tư liên tục và đầu tư lâu dài. Bằng cách trích 1 khoản nhỏ từ thu nhập hằng tháng để đầu tư dịnh kỳ, bạn có thể tận dụng tốt công cụ đầu tư này.
Thời điểm nào mua chứng chỉ quỹ để hiệu quả nhất?
Thời điểm mua hiệu quả nhất là ngay khi bạn hoàn thiện được bản kế hoạch tài chính cá nhân và đã có các mục tiêu tài chính cụ thể.
Sau đó bạn có thể trích thu nhập mỗi tháng để mua chứng chỉ quỹ. Nếu thị trường chứng khoán giảm bạn có thể mua nhiều hơn để có giá chứng chỉ quỹ “chiết khấu”, mua đồ chất lượng cao nhưng đang “giảm giá” là cách để bạn kiếm tiền.
Liên hệ tư vấn
Quý khách có nhu cầu tư vấn, giải đáp thắc mắc, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh chóng và tận tình.
Công ty CP tư vấn và Hỗ trợ DN F&L (F&L consultant):
Địa chỉ: Tầng 4 toà Tuấn Minh Group, số 3 ngõ 84 Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 058 899 3039/058 892 7902
Email: fl.lienhe@gmail.com
Fanpage: F&L CONSULTANT
Tham khảo dịch vụ khác của chúng tôi: Tại đây